QUY TRÌNH Ủ VỎ CÀ PHÊ LÀM PHÂN BÓN HIỆU QUẢ NHẤT

Với hàm lượng hữu cơ trên 30%, vỏ cà phê là một nguồn nguyên liệu quý và có sẵn để sản xuất phân hữu cơ vi sinh giúp cải tạo độ phì cho đất.

Sự cần thiết của phân hữu cơ

Tây Nguyên là vùng đất phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau, từ cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu cho đến cây lương thực, rau màu...

Quy trình ủ vỏ cà phê làm phân bón hiệu quả nhất

Tuy nhiên, với sự khai thác đất không hợp lý, sự lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều đã làm suy thoái sức sản xuất của đất. Việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ để cải tạo lại đất đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì độ phì nhiêu của đất, ổn định năng suất cây trồng, góp phần vào sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, hiện nay nguồn phân hữu cơ từ chất thải của gia súc ngày càng khan hiếm, trong khi đó, phụ phẩm nông nghiệp ở đây cụ thể là vỏ quả cà phê là một nguồn hữu cơ quý, sẵn có với số lượng lớn. Vỏ cà phê là nguồn nguyên liệu rất tốt để chế biến phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao.

Với hàm lượng hữu cơ trên 30%, vỏ cà phê là một nguồn nguyên liệu quý và có sẵn để sản xuất phân hữu cơ vi sinh giúp cải tạo độ phì cho đất.

Ngoài hữu cơ, NPK trong vỏ cà phê khá cao (N: 1,95 - 2,35%, P2O5: 0,27 - 0,38%, K2O: 1,92 - 2,22%), là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất phân hữu cơ chất lượng tốt bón cho cà phê, hồ tiêu. Với hàm lượng hữu cơ trên 30%, nếu vỏ cà phê đem bón mà không được ủ hoai mục thì làm cho cây cà phê, hồ tiêu dễ bị nhiễm bệnh, có thể chất đường có trong vỏ cà phê là môi trường thuận lợi và thức ăn cho các loài nấm hại phát triển mạnh.

Vì vậy, việc cần thiết là phải ủ hoai vỏ cà phê trước khi tiến hành bón cho cây. Có nhiều loại chế phẩm vi sinh dùng để ủ vỏ cây phê, tuy nhiên bà con cần lựa chọn sản phẩm của nhà sản xuất có uy tín và chất lượng để sử dụng. Trong bài viết này, xin gửi tới các bạn biện pháp cải tiến trong quá trình sử dụng nấm Trichoderma để xử lý vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh.

Nấm Trichoderma được chứng minh là nguồn vi sinh vật sống tuyệt vời trong sản xuất nông nghiệp bởi khả năng phân hủy xác bã thực vật trong đó có vỏ cà phê, khả năng đối kháng tiêu diệt nấm bệnh hại rễ có trong đất. Ngoài ra, nấm Trichoderma còn có khả năng kích thích sự phát triển hệ rễ của cây trồng. Do đó, việc sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma để ủ phân hữu cơ giúp phân giải nhanh các chất hữu cơ thành dạng dễ tiêu, cung cấp dinh dưỡng cho cây, phòng một số nấm bệnh gây hại cho cây trồng, tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất. Đây là một trong những giải pháp tiết kiệm đáng kể, giúp bà con vừa giảm chi phí trong sản xuất, vừa tạo ra nguồn phân hữu cơ cung cấp cho đất, cải tạo đất cực kỳ hiệu quả.

Quy trình ủ vỏ cà phê làm phân bón hiệu quả nhất

Lợi ích khi bón vỏ cà phê ủ hoai bằng trichoderma:

  • Sẽ diệt sạch mầm sâu bệnh, hạt cỏ dại.
  • Giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường.
  • Cung cấp dinh dưỡng, hữu cơ cho đất.
  • Củng cố hệ vi sinh vật hữu ích trong đất.
  • Nâng cao độ phì đất, cải thiện bộ rễ cây.
  • Tăng hiệu quả phân khoáng, nước tưới.
  • Ủ dễ dàng, dùng thuận tiện ở nông hộ.
  • Hoai nhanh, chất lượng cao, đơn giá rẻ.

Nguyên liệu:

Nguyên liệu chính vỏ cà phê: 1 tấn tương đương với khoảng 3 m3 (sử dụng vỏ sau khi xay xát từ 4 - 5 ngày để ủ).

Phân chuồng: càng nhiều càng tốt, nhưng để ủ chung với 1 tấn vỏ cà phê thì lượng phân chuồng phải đạt ít nhất là từ 200 - 500 kg.

Men vi sinh: 3 - 4 kg chế phẩm Trichoderma. Việc sử dụng nhiều trichoderma sẽ giúp cho chất ủ nhanh phân huỷ hơn.

Phụ gia bổ sung:

  • Phân lân: 50 kg.
  • Vôi bột: 15 - 20 kg.
  • Phân urê: 10 kg.

Các bước thực hiện:

* Bước 1:

Nền dùng để ủ phân phải đảm bảo không bị thấm nước khi gặp mưa. Tốt nhất là nền xi măng, nếu là nền đất thì nền phải cứng, khô, được phủ lên trên nền lớp bạt dày để tránh đống ủ bị thấm nước khi trời mưa.

Làm ẩm toàn bộ vỏ cà phê bằng cách tưới nhiều nước trước khi ủ.

Trộn đều hỗn hợp chất ủ gồm vỏ cà phê, phân chuồng, vôi, phân lân và phân ure. Có thể tiến hành bằng cách rải vỏ cà phê, phân chuồng thành lớp dày 30 - 40 cm, sau đó rải phân lân, vôi, ure lên và đảo sơ.

Nên tiến hàng bước 1 trước 1 - 2 tuần trước khi bổ sung vi sinh để tăng hiệu quả khi ủ.

* Bước 2:

Tạo dịch men bằng cách hoà trichoderma vào nước, bổ sung thêm urê hoặc rỉ mật với liều lượng 1 kg cho 100 lít nước. Lượng nước men tuỳ thuộc vào độ ẩm của chất ủ.

Dọn sạch và làm bằng vị trí để chất đống ủ.

Trải chất ủ dày một lớp 20 cm lên nền xi măng hoặc lên bạt, lấy dung dịch nước men trong phuy tưới đều lên bề mặt chất ủ. Sau đó, tiếp tục trải chồng tiếp lên trên lớp đầu tiên, làm tương tự như vậy cho đến khi hết khối chất ủ.

Sau đó, cào banh đống ủ ra, đảo trộn lại cho đều, tưới thêm nước sao cho ẩm độ trong đống ủ đạt khoảng 60% (nắm vắt chất ủ thấy nước rịn qua kẽ tay là vừa). Nếu chỉ tưới nước mà không tiến hành trộn cùng lúc thì chỉ có lớp mặt đống nguyên liệu bị ướt, các lớp dưới không ướt đều sẽ không phân giải khi ủ. Lượng nước tưới ướt khoảng 60 % thành phần đống nguyên liệu là đủ, nếu tưới nhiều nước quá phân urê, phân lân và vôi có thể bị rữa trôi nhiều. Sau đó vun chất ủ lại thành đống, tủ bạt kín để giữ ẩm. Chú ý: Tấm bạt, nilon phải đè chèn bằng vật nặng để khỏi bị gió cuốn đi.

Lưu ý: Tùy thuộc vào khối lượng chất ủ mà canh chiều ngang và chiều dài của đống ủ, đảm bảo độ cao của đống ủ không quá 1,5 m để thuận tiện cho việc tưới nước bổ sung, kiểm tra chất lượng.

* Bước 3:

Khoảng 7 - 10 ngày sau, kiểm tra đống ủ, đống ủ nóng, nhiệt độ trong đống ủ đạt trên 60 độ C, có màu nâu đen là tốt, bổ sung thêm nước khi thấy chất ủ có màu nâu nhạt, độ ẩm dưới 60%, như trên dùng tay nắm một vắt cơ chất thấy nước rỉ ra ở kẻ tay là được. Tủ bạt kín đống ủ.

* Bước 4:

- Sau khoảng 15 - 20 ngày, thì tiến hành kiểm tra đống ủ, dùng cuốc moi một hố sâu vào tâm đống ủ và nhận thấy có rất nhiều nấm men vi sinh trắng bám trên bề mặt nguyên liệu và nhiệt độ của đống ủ có thể lên đến 60 - 80oC có tác dụng phân huỷ nguyên liệu và tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, đống ủ cũng bị thiếu ẩm (bị khô), tiến hành đảo trộn, tưới thêm nước nên cần phải tưới thêm nước sao cho nước có thể làm ướt đều đống ủ. Sau đó, gom chất đống và che đậy nếu đống ủ bị khô, lên đống và nén chặt, phủ bạt đậy kín đống ủ.

Sau khi kiểm tra từ 25 - 30 ngày, hay 40 - 45 ngày ủ, thì dở toàn bộ bao, bạt, tấm nilon che phủ và tiến hành đảo trộn thật đều toàn bộ đống ủ, vừa trộn vừa tưới nước đủ để thấm đều hoàn toàn nguyên liệu.

Khi tổng số ngày ủ được 110 - 120 ngày, hay sau khi ủ lại được 70 - 80 ngày, kiểm tra đống ủ thấy nguyên liệu đã mềm và nát thì có thể sử dụng để bón cho cây trồng được.

Chú ý: Luôn kiểm tra độ ẩm của đống ủ, nếu thấy khô, phải tưới thêm nước. Đôi khi ở lớp ngoài và bề mặt trên của đống ủ rất ẩm, nhưng bên trong thì rất khô, nên phải tưới nước để đống ủ ẩm hơn cho vi sinh vật hoạt động tốt, nguyên liệu mau hoai mục.

Sau khi ủ xong phân có thể đem bón lót hoặc bón thúc cho cây. Nên trộn thêm trichoderma để đạt hiệu quả tốt nhất!

Để lại thông tin

Hỗ trợ khách hàng